19: Bệnh lý sỏi thận tiết niệu

Giới thiệu

Sỏi thận tiết niệu là một căn bệnh rất phổ biến của đường tiết niệu. Sỏi thận có thể gây đau dữ dội, nhưng cũng có lúc diễn biến âm thầm, không triệu chứng. Sỏi có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu và phá hủy thận nếu không được điều trị đúng cách. Sỏi đã hình thành thường hay tái phát. Vì vậy cần phải hiểu bệnh, biết phòng ngừa và chăm sóc bệnh tốt.

Sỏi thận là gì?

Sỏi thận là một khối tinh thể cứng hình thành trong thận hoặc trong đường tiết niệu, do tăng nồng độ tinh thể hoặc những mảnh nhỏ canxi, oxalate, urate, phosphate trong nước tiểu. Hàng triệu tinh thể của những chất này kết tủa trong nước tiểu, kích thước tăng dần và sau một thời gian dài thì tạo thành sỏi. Bình thường, nước tiểu chứa các chất giúp ngăn ngừa hoặc hạn chế sự kết tủa tinh thể. Giảm nồng độ các chất ức chế tạo sỏi góp phần hình thành sỏi thận. Sỏi đường tiết niệu là một thuật ngữ y khoa để chỉ sỏi trong đường tiết niệu. Cần lưu ý là thành phần của sỏi mật khác với sỏi thận.

Kích thước, hình dạng và vị trí của sỏi đường tiết niệu ra sao?

Sỏi thận đa dạng về hình dạng và kích thước. Chúng có thể nhỏ hơn một hạt cát hoặc to như một quả bóng tennis. Hình dáng viên sỏi có thể tròn hoặc bầu dục, bề mặt nhẵn, nhưng cũng có khi sỏi có hình dạng méo mó, góc cạnh với bề mặt xù xì. Sỏi có bề mặt nhẵn ít gây đau hơn và có cơ hội được tự bài xuất ra ngoài cao hơn. Sỏi thận với bề mặt thô ráp, xù xì gây cảm giác đau nhiều hơn và ít có khả năng tự bài xuất ra ngoài hơn. Sỏi có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trong hệ tiết niệu nhưng thường xuất hiện ở thận và sau đó đi xuống niệu quản, đôi khi nằm ở những chỗ hẹp của niệu quản.

Sỏi đường tiết niệu là một nguyên nhân quan trọng gây đau bụng dữ dội.

Các dạng

Các loại sỏi thận là gì?

Có 4 loại sỏi thận chính, bao gồm:

1. Sỏi canxi: Đây là loại sỏi thận thường gặp nhất, chiếm 70 - 80% các trường hợp. Sỏi canxi thường được tạo nên từ canxi oxalate và hiếm hơn là từ canxi phosphate.

Sỏi canxi oxalate tương đối cứng và khó bị hòa tan bằng điều trị nội khoa. Sỏi canxi phosphate được tìm thấy trong nước tiểu kiềm hóa.

2. Sỏi Struvite: Sỏi struvite (Magnesium ammonium phosphate) ít phổ biến hơn (chiếm khoảng 10 - 15%) và hình thành từ nhiễm trùng ở thận. Sỏi struvite thường gặp hơn ở nữ giới và chỉ phát triển trong nước tiểu kiềm.

3. Sỏi acid uric: Sỏi acid uric không thực sự phổ biến (khoảng 5 - 10%) và dễ hình thành khi có quá nhiều acid uric trong nước tiểu và nước tiểu thường xuyên bị acid hóa. Sỏi acid uric có thể gặp ở những người bị gout, người ăn nhiều protein động vật, người bị mất nước hoặc điều trị hóa chất. Sỏi acid uric không cản quang nên không phát hiện được trên phim chụp X-quang bụng.

4. Sỏi Cystine : Sỏi Cystine hiếm gặp và xảy ra ở những người có bệnh lý di truyền gọi là có cystine niệu. Cystine niệu là tình trạng có nồng độ cystine trong nước tiểu cao.

Sỏi đường tiết niệu hay gặp nhất là ở thận và niệu quản.

Các yếu tố nguy cơ

Sỏi san hô là gì?

Sỏi san hô là sỏi có kích thước rất lớn, thường là sỏi Struvite, chiếm phần lớn quả thận và có hình dạng gạc nai. Sỏi san hô thường không gây đau hoặc rất ít đau, do đó nhiều bệnh nhân bị bỏ sót chẩn đoán, dẫn đến những tổn thương phá hủy thận.

Các yếu tổ nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu là gì?

Ai cũng có thể có sỏi. Một số yếu tố nguy cơ hình thành sỏi thận là:

  • Giảm thể tích dịch - đặc biệt là uống ít nước và mất nước.
  • Tiền sử gia đình có người bị sỏi thận.
  • Chế độ ăn: ăn nhiều protein động vật, natri và oxalate, nhưng ít chất xơ và các loại trái cây thuộc họ cam quýt giàu kali.
  • 75% bệnh sỏi thận và 95% sỏi bàng quang gặp ở nam giới. Nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 70 và những người béo phì dễ bị sỏi thận tiết niệu nhất.
  • Người nằm liệt giường hoặc bất động trong một thời gian dài.
  • Sống ở nơi có khí hậu nóng ẩm.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát và tắc nghẽn đường tiết niệu.
  • Các bệnh chuyển hóa: cường cận giáp, bệnh cystine niệu, gout,...
  • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc trung hòa acid dạ dày.
Triệu chứng của sỏi tiết niệu là gì?

Triệu chứng của sỏi tiết niệu khác nhau tùy thuộc vào kích thước, hình dạng, vị trí của sỏi. Các triệu chứng thường gặp của sỏi tiết niệu là:

Uống ít nước và tiền sử gia đình bị sỏi thận là 2 yếu tố nguy cơ quan trọng nhất trong hình thành sỏi tiết niệu.

  • Đau bụng.
  • Không triệu chứng. Phát hiện tình cờ sỏi tiết niệu khi khám sức khỏe định kì hoặc khi khám các bệnh ký không liên quan khác. Sỏi không gây bất kì triệu chứng nào và được phát hiện tình cờ khi chụp X quang hay chẩn đoán hình ảnh khác được gọi là “sỏi thầm lặng”.
  • Đi tiểu thường xuyên và mót tiểu liên tục là các triệu chứng được phát hiện ở bệnh nhân có sỏi bàng quang.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Tiểu ra máu.
  • Đau, buốt khi đi tiểu.
  • Nếu sỏi bàng quang bị kẹt ở đường vào niệu đạo, dòng nước tiểu sẽ đột ngột bị ngắt khi đang đi tiểu.
  • Đi tiểu ra sỏi.
  • Trong một số ít trường hợp, sỏi tiết niệu có thể gây các biến chứng như nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, tắc nghẽn đường tiết niệu, gây tổn thương thận tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Đặc điểm của đau bụng do sỏi tiết niệu

  • Mức độ và vị trí đau của mỗi người có thể khác nhau, tùy thuộc vào loại, kích thước và vị trị của sỏi trong đường tiết niệu. Tuy nhiên, kích thước của sỏi không tương quan với mức độ đau. Những viên sỏi xù xì kích thước nhỏ thường gây đau nhiều hơn sỏi to nhẵn.
  • Đau do sỏi có thể thay đổi từ đau mơ hồ vùng mạn sườn cho đến đau đột ngột, dữ dội không chịu nổi. Đau tăng khi thay đổi tư thế và khi đi xe bị xóc. Cơn đau có thể kéo dài vài phút đến vài giờ rồi dịu bớt. Đau lúc tăng lúc giảm là dấu hiệu đặc trưng của sỏi đang di chuyển xuống theo niệu quản.
  • Đau bụng bên có sỏi. Cơn đau kinh điển của sỏi thận và sỏi niệu quản là đau lan từ hông lưng xuống bẹn, thường kèm theo buồn nôn và nôn.
  • Sỏi bàng quang cũng gây đau bụng dưới và đau khi đi tiểu, thường đau ở đầu dương vật ở nam giới.
  • Nhiều người bị cơn đau bụng đột ngột dữ dội do sỏi trong đường tiết niệu phải lập tức tìm trợ giúp y tế khẩn cấp.

Sỏi thận có thể phá hủy thận không?

Có. Sỏi thận hoặc sỏi niệu quản có thể cản trở hoặc làm tắc nghẽn dòng nước tiểu trong đường tiết niệu. Sự tắc nghẽn có thể làm giãn đài, bể thận. Giãn đài bể thận nhiều và liên tục do tắc nghẽn có thể làm tổn thương thận ở một số bệnh nhân về lâu dài.

Đau bụng và đi tiểu ra máu rất gợi ý có sỏi tiết niệu.

Chẩn đoán

Chẩn đoán sỏi tiết niệu

Các thăm dò được tiến hành để xác định chẩn đoán sỏi tiết niệu và phát hiện các biến chứng, đồng thời để tìm ra các yếu tố thúc đẩy hình thành sỏi.

Thăm dò điện quang

Siêu âm hệ tiết niệu: Siêu âm hệ tiết niệu có thể làm được dễ dàng, ít tốn kém và đơn giản, được sử dụng phổ biến nhất để chẩn đoán sỏi tiết niệu và phát hiện tắc nghẽn.

Chụp X-quang hệ tiết niệu: Kích thước, hình dạng và vị trí của sỏi tiết niệu có thể nhìn thấy trên phim X - quang hệ tiết niệu. Chụp X - quang hệ tiết niệu là phương pháp hữu hiệu nhất để theo dõi sự tồn tại và kích thước của sỏi trước và sau điều trị đối với sỏi chứa canxi. Phương pháp này không phát hiện được sỏi không cản quang, chẳng hạn như các loại sỏi chứa acid uric.

Hãy thận trọng với “sỏi thầm lặng” vì mặc dù không gây đau nhưng loại sỏi này dễ có khả năng gây tổn thương thận nhất.

Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT): chụp CT hệ tiết niệu là phương pháp chẩn đoán chuẩn xác và được ưa thích nhất để xác định sỏi mọi kích cỡ và phát hiện tắc nghẽn.

Chụp X quang hệ tiết niệu có thuốc cản quang tĩnh mạch (IVU): Ít được sử dụng hơn, IVU rất đáng tin cậy trong phát hiện sỏi và tắc nghẽn. Lợi ích lớn nhất của IVU là nó cho biết thông tin về chức năng thận. Cấu trúc của thận và chi tiết về giãn niệu quản được đánh giá tốt hơn nhờ phương pháp này. Thăm dò này không hữu hiệu và không được sử dụng khi creatinine huyết thanh tăng cao.

Các xét nghiệm thăm dò

Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu để phát hiện nhiễm trùng và đo pH nước tiểu; thu gom nước tiểu 24 giờ để đo thể tích nước tiểu hàng ngày, canxi, phospho, acid uric, magie, oxalate, citrate, natri và creatinine.

Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm cơ bản như công thức máu, creatinine huyết thanh, các chất điện giải và đường máu; một số xét nghiệm đặc biệt để xác định một số chất thúc đẩy hình thành sỏi như: canxi, phospho, acid uric và nồng độ hormone cận giáp.

Phân tích thành phần sỏi: Sỏi tự bài xuất hoặc được lấy ra bằng các phương pháp điều trị khác nhau nên được thu lại để phân tích. Việc phân tích thành phần hóa học của sỏi có thể giúp xác định được thành phần kết cấu của nó, từ đó giúp lập kế hoạch điều trị.

Để chẩn đoán sỏi đường tiết niệu, chụp CT, siêu âm và chụp X-quang là những thăm dò quan trọng nhất.

Phòng ngừa

Phòng ngừa sỏi tiết niệu

“Một khi đã là người tạo sỏi thì sẽ luôn là người tạo sỏi”. Sỏi tiết niệu tái phát ở khoảng 50 đến 70% người bệnh. Mặt khác, nếu được phòng ngừa và điều trị đúng cách, tỉ lệ tái phát có thể giảm xuống còn 10% trở xuống. Do đó, tất cả các bệnh nhân bị sỏi thận cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa.

Các biện pháp chung

Chế độ ăn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy hoặc ngăn cản sự hình thành sỏi tiết niệu. Các biện pháp chung hữu ích cho tất cả bệnh nhân bị sỏi tiết niệu bao gồm:

1. Uống nhiều nước

  • Một biện pháp đơn giản và quan trọng nhất để ngăn ngừa sỏi thận là uống nhiều nước, uống nhiều nước và uống thật nhiều nước. Hãy uống 12 đến 14 cốc nước (hơn 3 lít) mỗi ngày. Để đảm bảo uống đủ nước trong ngày, bạn hãy luôn mang theo một chai nước bên mình.
  • Uống loại nước nào là vấn đề băn khoăn của nhiều người bệnh. Nhưng nên nhớ rằng, để ngăn ngừa sỏi thì lượng nước quan trọng hơn chất lượng nước.
  • Để phòng ngừa sỏi tiết niệu, đảm bảo có đủ lượng nước tiểu mỗi ngày quan trọng hơn thể tích nước uống vào. Để đảm bảo bạn uống đủ nước, hãy đo tổng thể tích nước tiểu mỗi ngày. Cần tiểu được trên 2 - 2.5 lít một ngày.
  • Màu sắc hoặc sự cô đặc nước tiểu có thể nói lên lượng nước bạn uống vào. Nếu bạn uống đủ nước trong ngày, nước tiểu sẽ nhạt màu, trong và loãng. Nước tiểu loãng gợi ý nồng độ các chất khoáng thấp, điều này giúp ngăn ngừa hình thành sỏi. Nước tiểu vàng, sẫm màu, đậm đặc nói lên lượng nước uống vào chưa đủ.
  • Để ngăn ngừa hình thành sỏi tiết niệu, hãy tập thói quen uống 2 cốc nước sau mỗi bữa ăn. Hơn nữa, nên uống 2 cốc nước trước khi đi ngủ và thêm một cốc vào buổi đêm khi tỉnh giấc. Nếu phải dậy vài lần vào ban đêm để đi tiểu, có lẽ bạn đã uống đủ nước trong cả ngày và tối.
  • Những người hoạt động thể lực vào ngày nắng nóng được khuyến cáo uống nhiều nước hơn nữa, vì một lượng nước đáng kể bị mất đi qua mồ hôi.
  • Uống các loại nước như nước dừa, nước gạo hoặc lúa mạch, các loại nước giàu citrate như nước chanh, nước ép dứa, giúp tăng tổng lượng nước uống và ngăn ngừa sỏi.
Uống nhiều nước là cách đơn giản và cơ bản nhất để ngăn ngừa và điều trị sỏi tiết niệu.

Loại nước uống nào được ưa chuộng hơn để ngăn ngừa sỏi tiết niệu?

Uống các loại nước như nước dừa, nước gạo hoặc lúa mạch và các loại nước giàu citrate như nước chanh, nước ép cà chua, nước ép dứa giúp ngăn ngừa sỏi. Nhưng hãy nhớ rằng ít nhất 50% tổng lượng nước uống vào phải là nước lọc.

Loại nước nào người có sỏi tiết niệu nên tránh?

Tránh nước ép bưởi, nam việt quất, nước ép táo; trà đặc, cafe, chocolate và các loại nước ngọt có đường như coca; tất cả các loại đồ uống có cồn, bao gồm cả bia. Các loại đồ uống này có liên quan tới sự gia tăng nguy cơ tạo sỏi tiết niệu.

2. Hạn chế muối

Tránh ăn quá nhiều muối. Tránh các loại rau củ quả muối, khoai tây chiên và các đồ ăn vặt có vị mặn. Ăn quá nhiều muối hoặc natri có thể làm tăng bài tiết canxi qua nước tiểu và do đó tăng nguy cơ tạo sỏi canxi. Lượng natri ăn vào nên thấp hơn 100mEq hay 6 gam một ngày để phòng ngừa sỏi tiết niệu.

3. Giảm ăn protein động vật

Tránh các loại thực phẩm như thịt cừu, thịt gà, cá và trứng. Các loại thức ăn từ động vật này chứa hàm lượng lớn acid uric/nhân purin, có thể làm tăng nguy cơ tạo sỏi acid uric và sỏi canxi.

Nước tiểu trong và loãng gần như nước cho biết lượng nước uống vào đã đủ.

4. Chế độ ăn cân bằng

Ăn một chế độ ăn cân bằng với nhiều rau và trái cây giúp làm giảm lượng acid và có xu hướng làm nước tiểu bớt toan. Nên ăn các loại trái cây như chuối, dứa, việt quất, anh đào, cam. Nên ăn các loại rau củ như cà rốt, mướp đắng, bí và ớt chuông. Ăn các loại thực phẩm nhiều chất xơ như lúa mạch, đậu, yến mạch và hạt mã đề Psyllium. Tránh hoặc hạn chế thức ăn tinh chế như bánh mì trắng, mì ống và đường. Sỏi thận có liên quan tới việc ăn nhiều đường.

5. Một số lời khuyên khác

Hạn chế lượng vitamin C đưa vào ở mức dưới 1000mg một ngày. Không nên ăn nhiều và ăn muộn ban đêm. Béo phì là một yếu tố nguy cơ độc lập đối với sự tạo sỏi.

Các biện pháp đặc hiệu 1. Ngăn ngừa sỏi canxi

  • Chế độ ăn: Người ta thường quan niệm sai lầm là bệnh nhân sỏi thận cần tránh canxi. Thật ra, ăn một chế độ lành mạnh với đủ canxi, gồm các sản phẩm làm từ sữa, có thể ngăn ngừa tạo sỏi. Canxi trong thức ăn kết hợp với oxalate trong ruột giúp hạn chế sự hấp thu oxalate ở ruột và do đó hạn chế tạo sỏi. Mặt khác, khi canxi trong chế độ ăn bị cắt giảm, oxalate tự do trong ruột có thể dễ dàng được hấp thu qua ruột và thúc đẩy sự hình thành sỏi oxalate.
  • Không bổ sung canxi và cũng không ăn chế độ ít canxi, vì cả 2 việc này đều làm tăng nguy cơ phát triển sỏi. Nguồn canxi có sẵn trong thức ăn như các sản phẩm làm từ sữa được ưa chuộng hơn việc uống bổ sung canxi đối với các bệnh nhân có nguy cơ sỏi thận. Nếu cần uống bổ sung canxi thì nên uống trong bữa ăn để giảm thiểu nguy cơ.
  • Thuốc: Thuốc lợi tiểu nhóm Thiazide có lợi trong việc ngăn ngừa sỏi canxi vì chúng hạn chế sự bài tiết canxi vào nước tiểu.
Ăn hạn chế muối là rất quan trọng trong ngăn ngừa sỏi canxi.

2. Ngăn ngừa sỏi oxalate

Người bị sỏi canxi oxalate nên hạn chế các loại thực phẩm giàu oxalate. Thực phẩm giàu oxalate bao gồm:

  • Rau củ: rau chân vịt, đại hoàng, đậu bắp, củ cải đường và khoai lang.
  • Trái cây tươi và trái cây sấy khô: dâu tây, quả mâm xôi, hồng xiêm, quả lý gai, quả na, nho, hạt điều, đậu phộng, hạnh nhân và sung khô.
  • Các loại thực phẩm khác: ớt xanh, bánh trái cây, mứt cam, chocolat đen, bơ đậu phộng, thực phẩm từ đậu nành và ca cao.
  • Đồ uống: Nước ép bưởi, coca đen và trà đặc, trà đen.

3. Ngăn ngừa sỏi acid uric

  • Không dùng các đồ uống chứa cồn.
  • Tránh các thực phẩm giàu protein động vật như nội tạng động vật (óc, gan, thận); cá, đặc biệt là các loại không vảy (ví dụ: cá cơm, cá trích, cá mòi, cá hồi), thịt lợn, thịt gà, thịt bò và trứng.
  • Hạn chế các loại đậu như đậu xanh, đậu lăng; các loại rau củ như nấm, rau chân vịt, măng tây và súp lơ trắng.
  • Hạn chế thức ăn giàu chất béo như dầu giấm để trộn salad, kem và các món chiên rán.
  • Thuốc: Thuốc Allopurinol để ức chế sự tổng hợp acid uric và giảm bài tiết acid uric qua nước tiểu. Citrate Kali để duy trì nước tiểu kiềm tính, vì sự lắng tủa acid uric và tạo thành sỏi xảy ra khi nước tiểu bị toan.
  • Các biện pháp khác: Giảm cân. Các bệnh nhân béo phì không thể kiềm hóa nước tiểu và điều này làm tăng nguy cơ hình thành sỏi acid uric.
Hãy cẩn thận. Hạn chế canxi trong thức ăn sẽ thúc đẩy hình thành sỏi!

Điều trị

Điều trị sỏi tiết niệu

Các yếu tố quyết định việc điều trị sỏi tiết niệu phụ thuộc vào mức độ của các triệu chứng; kích thước, vị trí và nguyên nhân tạo sỏi; có hay không có nhiễm trùng và tắc nghẽn đường tiết niệu. Hai lựa chọn điều trị chính là:

A. Điều trị bảo tồn

B. Điều trị phẫu thuật

A. Điều trị bảo tồn

Phần lớn sỏi thận có kích thước khá nhỏ (đường kính dưới 5 mm) để được tự bài xuất trong vòng 3 đến 6 tuần kể từ khi khởi phát triệu chứng. Mục đích của điều trị bảo tồn là làm giảm triệu chứng và giúp loại bỏ sỏi không cần phẫu thuật. Điều trị ngay sỏi thận

Để điều trị cơn đau dữ dội có thể cần tiêm bắp hoặc tĩnh mạch thuốc chống viêm giảm đau không steroid hoặc nhóm opioid. Đối với các cơn đau vừa phải có thể dùng thuốc giảm đau đường uống.

Uống nhiều nước giúp tống các hạt sỏi nhỏ ra ngoài qua nước tiều.

Uống nhiều nước

Khi bệnh nhân đang đau dữ dội, chỉ nên uống nước vừa phải mà không uống quá nhiều vì có thể làm đau tăng thêm. Nhưng khi hết đau, bệnh nhân nên uống nhiều nước, khoảng 2 đến 3 lít mỗi ngày. Cần lưu ý rằng bia KHÔNG phải là một tác nhân trị liệu với bệnh nhân sỏi thận.

Bệnh nhân bị cơn đau quặn kèm buồn nôn, nôn và sốt có thể cần được truyền tĩnh mạch dịch muối để bù dịch. Bệnh nhân phải giữ lại những viên sỏi thải ra được qua đường tiểu để làm xét nghiệm. Một cách đơn giản để thu gom các viên sỏi này là đi tiểu qua một tấm giấy lọc hoặc đi vào bô.

Các biện pháp khác

Duy trì nồng độ pH nước tiểu hợp lý là cơ bản nhất là đối với các bệnh nhân có sỏi acid uric. Các loại thuốc như thuốc chẹn kênh canxi và thuốc chẹn alpha sẽ ức chế sự co thắt niệu quản giúp niệu quản giãn đủ cho sỏi đi qua. Điều này đặc biệt hữu ích khi sỏi nằm trong niệu quản đoạn gần bàng quang. Cần điều trị các tình trạng bệnh lý liên quan khác như buồn nôn, nôn và nhiễm trùng đường tiết niệu. Hãy tuân thủ tất cả các biện pháp phòng ngừa chung và đặc hiệu đã trình bày ở phần trên (như chế độ ăn uống, thuốc men,...)

B. Điều trị phẫu thuật

Có nhiều phương pháp điều trị phẫu thuật khác nhau để xử lý các viên sỏi không thể điều trị được bằng phương pháp bảo tồn. Những phương pháp phẫu thuật thường được sử dụng nhất là tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi thận nội soi qua da, tán sỏi qua nội soi niệu quản và trong một số ít trường hợp phải mổ mở. Các kỹ thuật này hỗ trợ lẫn nhau. Bác sĩ ngoại khoa tiết niệu là người quyết định nên chọn phương pháp nào là tốt nhất cho mỗi bệnh nhân và cũng là người thực hiện.

Sỏi tái phát trên hơn 50% số ca mắc. Do đó cần hết sức chú trọng các hướng dẫn phòng ngừa.

Những bệnh nhân nào bị sỏi tiết niệu cần phẫu thuật?

Phần lớn bệnh nhân có sỏi kích thước nhỏ có thể điều trị hiệu quả bằng phương pháp bảo tồn. Một số trường hợp cần phẫu thuật lấy sỏi thận khi sỏi có các đặc điểm sau:

  • Sỏi gây đau tái phát hoặc đau dữ dội và sỏi không tự bài xuất được sau một khoảng thời gian hợp lý.
  • Sỏi quá to và không thể tự bài xuất. Sỏi có kích thước trên 6 mm có thể cần can thiệp phẫu thuật.
  • Sỏi gây tắc nghẽn đáng kể, chặn dòng nước tiểu và phá hủy thận.
  • Sỏi gây nhiễm trùng đường tiết niệu tái diễn hoặc chảy máu.

Có thể phải phẫu thuật ngay cho bệnh nhân suy thận do sỏi làm tắc nghẽn thận duy nhất có chức năng hay tắc nghẽn đồng thời cả hai thận.

1. Tán sỏi ngoài cơ thể

Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể là cách điều trị mới nhất, hiệu quả và thường được sử dụng nhất để điều trị sỏi thận. Tán sỏi là lý tưởng đối với sỏi thận có kích thước dưới 1.5 cm hoặc sỏi niệu quản trên.

Khi tán sỏi, sóng xung kích cường độ cao hoặc sóng siêu âm được tạo ra từ một máy tán sỏi sẽ làm vỡ các viên sỏi. Các viên sỏi vỡ thành những mảnh nhỏ và có thể được bài xuất dễ dàng qua đường tiết niệu ra ngoài theo nước tiểu. Sau khi tán sỏi, bệnh nhân được khuyên uống nước thoải mái để đẩy những

mảnh sỏi vụn ra ngoài. Nếu tiên lượng trước là niệu quản có thể tắc nghẽn sau khi tán sỏi to, bác sĩ sẽ đặt trước một ống thông vào niệu quản để phòng ngừa. Nhìn chung tán sỏi là phương pháp an toàn. Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra một vài biến chứng như đái máu, nhiễm trùng đường tiết niệu, không làm sạch sỏi hoàn toàn (có thể cần tán thêm các đợt khác), không làm vụn sỏi hoàn toàn (có thể gây tắc nghẽn đường tiết niệu), phá hủy thận và tăng huyết áp.

Tán sỏi là một phương pháp điều trị không phẫu thuật hiệu quả và thường được sử dụng nhất đối với sỏi thận.

Lợi ích của phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể là an toàn, không đòi hỏi phải nằm viện, gây mê và cắt rạch da. Phương pháp ít gây đau đớn và phù hợp cho bệnh nhân ở mọi lứa tuổi.

Phương pháp tán sỏi ít hiệu quả đối với những viên sỏi kích thước lớn và bệnh nhân béo phì. Tán sỏi cũng không được khuyến cáo cho người đang mang thai, đang bị nhiễm trùng nặng, tăng huyết áp không kiểm soát được, tắc nghẽn phần thấp đường tiết niệu và rối loạn đông máu.

Sau khi tán sỏi, bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên, khám định kỳ và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa để tránh tái phát sỏi.

2. Tán sỏi thận nội soi qua da

Tán sỏi thận nội soi qua da là một phương pháp hiệu quả để lấy bỏ những viên sỏi thận hoặc niệu quản có kích thước vừa và lớn (trên 1.5 cm). Tán sỏi nội soi qua da thường được chọn khi các phương pháp điều trị khác như tán sỏi qua nội soi niệu quản hay tán sỏi ngoài cơ thể bị thất bại.

Trong phương pháp này, bệnh nhân được gây mê toàn thân, bác sĩ tiết niệu rạch một đường nhỏ ở lưng, tạo một đường hầm nhỏ từ da vào thận với sự trợ giúp của điện quang hoặc siêu âm, nong đường hầm để luồn dụng cụ vào. Bác sĩ quan sát trên máy nội soi thận, tìm sỏi và lấy sỏi ra. Nếu viên sỏi to, bác sĩ sẽ tán nhỏ sỏi bằng sóng âm cao tần và lấy các mảnh sỏi vụn ra ngoài.

Nhìn chung, tán sỏi thận tiết niệu nội soi qua da là một phương pháp an toàn, nhưng vẫn có một số nguy cơ và biến chứng có thể xảy ra, tương tự như mọi phẫu thuật nào khác. Các biến chứng có thể gặp trong tán sỏi nộ soi qua da là chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương các tạng khác trong ổ bụng như đại tràng, rò nước tiểu và tràn dịch màng phổi.

Ưu điểm chính của phương pháp tán sỏi nội soi qua da là chỉ cần rạch một đường nhỏ (khoảng 1cm). Với mọi loại sỏi, tán sỏi nội soi qua da là phương pháp hiệu quả nhất giúp bệnh nhân được làm sạch sỏi hoàn toàn sau một lần điều trị. Bệnh nhân được tán sỏi nội soi qua da phải nằm viện ngắn hơn và thời gian hồi phục nhanh hơn.

Tán sỏi thận tiết niệu nội soi qua dalà phương pháp hiệu quả nhất để lấynhững viên sỏi có kích thước vừa đến lớn.

3. Tán sỏi qua nội soi niệu quản

Tán sỏi qua nội soi niệu quản là phương pháp rất thành công để lấy sỏi ở đoạn giữa và dưới của niệu quản. Bệnh nhân được gây mê, bác sĩ sẽ luồn một ống soi niệu quản mềm có gắn camera vào niệu đạo, bàng quang và lên niệu quản.

Sỏi được nhìn thấy qua ống nội soi niệu quản và tùy thuộc vào kích thước của sỏi và đường kích niệu quản, sỏi được tán nhỏ hoặc được lấy ra. Nếu sỏi niệu quản nhỏ, bác sĩ có thể gắp ra bằng kìm gắp. Nếu sỏi quá lớn và không gắp ra được, bác sĩ sẽ dùng máy tán khí nén để tán nhỏ. Những mảnh vụn của sỏi được tự bài xuất ra ngoài qua nước tiểu. Bệnh nhân thường được xuất viện ngay trong ngày và có thể quay lại hoạt động bình thường sau 2 đến 3 ngày.

Ưu điểm của tán sỏi qua nội soi niệu quản là kể cả những viên sỏi cứng cũng vẫn có thể tán nhỏ bằng phương pháp này và không đòi hỏi phẫu thuật. Phương pháp này an toàn cho phụ nữ có thai, những người béo phì cũng như những người bị rối loạn đông máu. Nhìn chung, tán sỏi qua nội soi niệu quản là phương pháp an toàn, nhưng thủ thuật nào cũng vẫn có nguy cơ. Một số biến chứng có thể gặp khi tán sỏi qua nội soi niệu quản là chảy máu, nhiễm trùng đường tiết niệu, thủng niệu quản, và hình thành mô sẹo gây hẹp niệu quản.

Sỏi niệu quản giữa và dưới có thể được lấy ra thành công nhờ tán sỏi qua nội soi niệu quản mà không cần phẫu thuật.

4. Mổ mở

Mổ mở là phương pháp điều trị sỏi xâm lấn nhiều nhất và đau đớn nhất, đòi hỏi 5 đến 7 ngày nằm viện. Với công nghệ hiện đại, chỉ định mổ mở đã giảm đi đáng kể. Hiện nay, mổ mở để lấy sỏi chỉ được dùng trong rất ít trường hợp, khi gặp những ca quá phức tạp với sỏi rất lớn.

Ưu điểm lớn nhất của mổ mở lấy sỏi là lấy được nhiều sỏi lớn hoặc sỏi san hô trong một lần điều trị. Mổ mở là một phương pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí, đặc biệt là ở các nước đang phát triển với nguồn lực hạn chế.

Khi nào bệnh nhân bị sỏi thận cần khám bác sĩ?

Một bệnh nhân sỏi thận cần đến khám bác sĩ ngay trong các trường hợp sau:

  • Bị đau bụng dữ dội, không giảm khi dùng thuốc.
  • Buồn nôn và nôn nhiều đến mức không thể uống nước và uống thuốc.
  • Bị sốt, rét run và có cảm giác bỏng rát khi đi tiểu kèm đau bụng.
  • Tiểu ra máu.
  • Không có nước tiểu.
Chỉ mổ mở cho rất ít bệnh nhân với sỏi thận rất lớn hoặc khi các biện pháp khác không thành công.